Nguyệt San Số 3


TIỀN GIANG QUÊ TÔI
Tác giả: V.T
Thể loại: Sưu khảo

Tiền Giang là tỉnh đầu của các tỉnh thuộc miền Tây Nam phần, nếu đi theo quốc lộ số 1 thì bắt đầu từ Tân Hương, giáp ranh với tỉnh Long An. Tiền Giang bây giờ là sát nhập hai tỉnh Định Tường và Gò Công của thời VNCH. Tiền Giang hiện nay có 11 đơn vị hành chính gồm: Thành Phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Tx Cai Lậy, và 8 huyện: Cái Bè, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Tân Phú Đông.
      Về địa lý, Tiền Giang nằm trong tọa độ 105°50’–106°45’ đông và 10°35’-10°12’ bắc. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Long An và thành phố Sài Gòn, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp , phía nam giáp tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long , phía đông giáp Biển Đông .Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ Bắc Sông Tiền (một nhánh của sông Cửu Long ) với chiều dài 120 km. Nhờ vị trí hết sức thuận lợi nên Tiền Giang đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của cả ĐBSCL, là địa bàn trung chuyển hết sức quan trọng gắn cả miền Tây Nam phần. Vị trí như vậy giúp Tiền Giang sớm trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát hàng đầu trong khu vực miền Tây Nam phần và vùng kinh tế trọng điểm của miền Nam.
 
Thành phố Mỹ Tho, thủ phủ của Tiền Giang

      Về địa hình, Tiền Giang có địa hình tương đối bằng phẳng. Diện tích tự nhiên: 2.481,8 km². Đất phù sa trung tính, ít chua dọc theo sông Tiền , chiếm khoảng 53% diện tích toàn tỉnh, thích hợp cho nhiều loại giống cây trồng và chăn nuôi . Bờ biển dài 32 km với hàng ngàn Ha bãi bồi ven bờ biển thuộc vùng bỉển Gò Công, nhiều lợi thế trong nuôi trồng các loài thủy hải sản Nghêu, Tôm, Cua ..) và phát triển kinh tế biển. Sản lượng cây trồng vật nuôi đứng đầu vùng ĐBSCL, với diện tích cây ăn trái vào loại bậc nhất của vùng với nhiều loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Long Cổ Cò (Cái Bè), mận An Phước, xoài Cát Chu, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), thanh long (xã Quơn Long - Chợ Gạo), dưa hấu và sơri (TX Gò Công), khóm Tân Lập (Tân Phước),... và nhiều vùng chuyên canh trái cây đặc sản của tỉnh như: vùng trái cây ở Cai Lậy, vùng chuyên canh trái cây ở Hòa Khánh - An Hữu (Cái Bè), vùng cam sành ở HTX cây ăn trái ở Mỹ Lương (Cái Bè), HTX bưởi lông, da xanh Cổ Cò (An Thái Đông, Cái Bè), vùng chuyên canh thanh long xã Quơn Long-Chợ Gạo...
        Về khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa khô tháng 12 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 °C; vũ lượng hằng năm khoảng 1.467mm
        Về lịch sử, Tiền Giang có những dấu tích lịch sử các nơi như sau:

 ** Chợ Mỹ Tho:
        Được hình thành sớm nhất so với các nơi khác của miền Tây Nam phần. Từ cuối thế kỷ16, Mỹ Tho đã có lưu dân người Việt vào khẩn hoang và tiến hành sản xuất nông nghiệp. Vào vùng đất mới, người đi khai hoang gặp những thuận lợi rất cơ bản như : khí hậu điều hòa, không có bão lụt, mặt đất bằng phẳng với sông rạch chằng chịt mang lại tôm cá, nước tưới, phù sa màu mỡ và thuận tiện cho việc giao lưu. Tuy nhiên, trong buổi đầu, cư dân gặp không ít trở ngại như : Rừng rậm hoang hiểm, ác thú đầy dẫy…  Đến hậu bán thế kỷ 17, việc mở mang ruộng đất, trồng tỉa hoa lợi của cư dân người Việt ở Mỹ Tho đã dần dần đi vào ổn định.

Chợ Mỹ Tho ngày xưa

        Đến năm 1679,  nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu, vì chống đối vương triều Mãn Thanh nên trốn sang Việt Nam rồi vào Mỹ Tho lập nghiệp. Nhóm người Hoa này chủ yếu sống nhờ vào nghề buôn bán. Sau vài thế hệ, họ dã bị Việt hóa và trở thành dân tộc Việt Nam, mà dấu ấn còn sót lại để nhận biết chỉ là danh xưng “Minh Hương”.  Cho đến khoảng cuối thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong ba trung tâm thương mại lớn nhất ở toàn Nam bộ hồi đó (hai trung tâm kia là Cù Lao Phố _ Biên Hòa và Hà Tiên), với khu chợ phố lớn Mỹ Tho, có nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo: ( Theo Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức). 
        Thời gian nầy, làng xã của người Việt ở Mỹ Tho cũng bước dần vào chỗ ổn định. Đó là các làng Điều Hòa, Phú Hội, Mỹ Chánh, Bình Tạo, Mỹ Hóa, Đạo Ngạn, Thạnh Trị.  Từ sự phồn thịnh của chợ Mỹ Tho,  nên vào năm 1781, chúa NGuyễn cho dời lỵ sở dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định (Tân Hiệp) về thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho (tức khu vực Chợ Cũ thuộc phường 2, phường 8 ngày nay). Bắt đầu từ đây, Mỹ Tho đã trở thành một trung tâm hành chánh thật sự, và để đi đến chỗ hoàn thiện nó, năm 1792, chúa Nguyễn đã cho xây dựng thành Mỹ Tho. Thành này do Trần Văn Học vẽ kiểu theo phương pháp đồ họa phương Tây, có tham khảo kiểu thành Vauban của Pháp. Thành Mỹ Tho có “dạng hình vuông, chu vi 998 tầm (khoảng 2000m), có mở hai cái cửa ở phía tả và phía hữu, nơi cửa có xây cầu bắc ngang hào, hào rộng 8 tầm (khoảng 16m), sâu 1 tầm (khoảng 2m), bốn mùa nước ngọt có nhiều tôm cá, dưới cầu có cửa cống nhỏ để lưu thông với sông lớn, ngoài hào có đắp lũy đất, có cạnh góc lồi ra hũng vô như hình hoa mai, chân lũy mặt tiền 30 tấm (khoảng 60m) thì đến sông lớn. Trong đồn có những kho gạo, kho thuốc đạn, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ, nghiêm chỉnh” (Theo Gia định thành thông chí).
        Đến cuối thế kỉ 18, Mỹ Tho đã có phố chợ buôn bán náo nhiệt, và khi đã xây dựng xong ngôi thành kiên cố, có quân đội thường trực và súng lớn để bảo vệ, thị địa phương Mỹ Tho đã trở thành một thành phố đúng nghĩa của nó.
        Do yêu cầu phát triển thành phố, năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở của trấn Định Tường (trấn này được thành lập năm 1808 dưới thời vua Gia Long) ở thôn Mỹ Chánh sang hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo ở về phía hữu ngạn sông Bảo Định (nay thuộc các phường 1,4,7), hình thành nên Mỹ Tho “mới”. Thành Mỹ Tho “mới” được Lê Văn Duyệt trực tiếp chỉ huy khoảng 11 ngàn nhân công thi công, xây dựng. Thành này vẫn được đắp bằng đất, chu vi 320 trượng (khoảng 2000m), cao 9 thước 5 tấc (khoảng 4,3m) mở 4 cửa, hào rộng 8 trượng (khoảng 3m), sâu 6 thước 5 tấc (khoảng 2,9m) (theo Đại Nam nhất thống chí).
Theo phỏng đoán, Mỹ Tho “mới” nằm lọt trong khung các con đường Rạch Gầm (phía nam), Lê Đại Hành (phía bắc), Lê Lợi (phía đông) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phía tây). Các cửa thành, phỏng đoán tọa lạc tại các địa điểm sau :
- Cửa Bắc : ngã tư Lê Đại Hành – Hùng Vương.
- Cửa Nam : ngã ba Rạch Gầm – Hùng Vương.
- Cửa Đông : ngã tư Lê Lợi – Thủ Khoa Huân.
- Cửa Tây : ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa ( Đường Ô/B Nguyễn Trung Long cũ ) – Thủ Khoa Huân.
         Ở lỵ sở mới, ngoài việc xây dựng thành tỉnh, chính quyền phong kiến còn tiến hành xây dựng hàng loạt các công trình khác nhằm phục vụ cho yêu cầu kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng …của địa phương, xứng đáng với vị trí trung tâm của toàn tỉnh Định Tường, như cất chợ, xây dựng cửa quan để thu thuế (1835), trường học (1826), đàn Xã Tắc (1833) thờ thần Xã Tắc (thần đất nước), đàn Tiến Nông (1832) thờ Thần Nông, miếu Thành Hoàng (1848)…(Gia Định thành thông chí). Đồng thời, lúc bấy giờ ở Mỹ Tho cũng có nhiều cá nhân bỏ tiền của ra để xây dựng một số chùa chiền có kiểu kiến trúc đẹp, độc đáo như chùa Bửu Lâm (1803) ở thôn Phú Hội, chùa Thiên Phúc (1803) ở thôn Mỹ Hóa, hội quán Kim Bảo (1819) (nay là chùa Ông phường 8), chùa Vĩnh Tràng (1849) ở thôn Mỹ Hóa…
        Như vậy từ năm 1826 trở đi, Mỹ Tho bao gồm Mỹ Tho “cũ” và “mới”, cùng nhau phát triển. Giữa Mỹ Tho “cũ” và “mới”, do cách nhau bởi kinh Bảo Định, nên liên lạc với nhau bằng đò ngang, và từ đó hình thành nên một xóm đưa đò chuyên nghiệp mà sử sách gọi là “giang trạm Điều Hòa” (Gia Định thành thông chí). Được biết trước đó, năm 1791, chính quyền phong kiến có xây cầu Quỳ Tông bắc ngang kinh Bảo Định nhưng đến năm 1801, do nước sông chảy xiết, gây xoáy lở, nên cầu bị bỏ (Đại Nam nhất thống chí).
Điểm độc đáo của Mỹ Tho là được dựng lên ở ngã ba sông, thành phố ven sông, đặc trưng của hầu hết các thành phố - đô thị ở miền Nam. Đó là ngã ba sông do sông Mỹ Tho và kinh Bảo Định giao dòng với nhau, tạo ra sự thuận lợi về mọi mặt và làm chất xúc tác để Mỹ Tho vươn lên mạnh mẽ. Có thể nói do nằm ở vị trí ngã ba sông nên Mỹ Tho có sức quy tụ ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác đến đây và từ đó lan tỏa ra khắp nơi : ngược dòng sông Tiền theo hướng tây lên Cai Lậy, Cái Bè, Sa Đéc ..v..v.. Hoặc xa hơn nữa là Campuchia, hay xuôi dòng về phía đống đến Chợ Gạo, Gò Công, rồi ra cửa Tiểu theo đường biển ngoặc lên Gia Định hay ra tận Phú Xuân đến Huế, còn nếu như theo con kinh Bảo Định thì vẫn đến được Vũng Gù (Tân An ngày nay) rồi đi tiếp đến Gia Định.
        Và một khi đã nói đến Mỹ Tho thì phải nói đến Cồn Rồng nằm trên sông Tiền ở phía trứơc mặt thành phố. Cồn này bắt đầu nổi lên từ năm 1788, có dáng như con rồng nằm, nên vua Gia Long mới đặt tên là Long Châu, còn dân gian thì quen gọi là Cồn Rồng.
        Tên “Mỹ Tho” xuất hiện từ rất sớm. Có thể tên Mỹ Tho được viết bằng chữ Hán Nôm đã xuất hiện từ năm 1679 khi Trịnh Hoài Đức ghi trong quyển Gia Định thành thông chí sự kiện sau đây : “Ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Vị (1679), tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Tàu chạy sang quy phục. Tháng 5, chúa Nguyễn sai Xá Văn Trinh dẫn cả binh biền và ghe thuyền đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho”.
Còn tên Mỹ Tho viết bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện cùng thời với tên Sài Gòn, tức là vào khoảng năm 1747.
Về từ nguyên và ngữ nghĩa của địa danh Mỹ Tho có hai cách giải thích. Cách thứ nhất cho rằng, địa danh Mỹ Tho có nguồn gốc từ chữ Hán Nôm với Mỹ là xinh đẹp và Tho là tên một loại cỏ. Cách thứ hai cho là, Mỹ Tho từ tiếng Khmer “Mêso” đọc trại mà ra, có nghĩa là “cô gái đẹp” hay “nàng tiên”.

** Chùa Vĩnh Tràng:

Chùa Vĩnh Tràng được lập vào năm 1849, Hòa thượng Huệ Đăng, trụ trì chùa đầu tiên đã đặt hiệu chùa là "Vĩnh Trường" với ngụ ý:
"Vĩnh cửu đối sơn hà,
Trường tồn tề thiên địa".
Chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng nằm về hướng Đông Bắc của thành phố Mỹ Tho, ven tỉnh lộ 22, tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Khởi nguyên chùa chỉ là một cái am lá của ông bà Huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi hưu trí, ông bà về đây cất am để tu hành nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa ông Huyện. Sau đó, ông bà mời Đại sư Huệ Đăng về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con.
Sau khi ông bà Huyện qua đời, Đại sư Huệ Đăng ngày đêm chăm lo công quả. Thấy được đạo hạnh của nhà sư, Phật tử bốn phương về rất đông: người góp công, người góp của xây dựng thành chùa "Đại Tự" vào năm 1849, lấy niên hiệu là "Vĩnh Trường". Qua thời gian người dân quen gọi là "Vĩnh Tràng". Nhà thơ Xuân Thủy sau một lần đến thăm đã tặng chùa bốn câu thơ sau:
"Đức Phật giàu tình thương
Nên chùa tên Vĩnh Tràng
Nhà sư vốn yêu nước
Lòng như dòng Tiền Giang".
Chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào hàng thứ ba đối với mọi kiểu chùa của đất Nam phần. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á.
Trước chùa có hai cổng Tam quan được xây dựng vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu của Trung quốc. Cửa ngỏ này được cẩn bằng đồ sứ có giá trị in hình long, lân, quy, phụng, canh, mục, ngư, tiều...Tất cả đều thể hiện sự sống động vui tươi. Chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc của Hán tự, gồm 04 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu làm bằng xi măng và gổ quí, nền đúc cao 1m, chung quanh xây tường vững chắc.
Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc dung hợp Á Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong. Trên nóc chùa có năm mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông
Bộ tượng cổ nhất chùa là bộ Tam Tôn: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí bằng đồng, riêng tượng Quan Âm bị thất lạc nên đã được làm lại bằng gỗ. Đặc biệt, ở đây có bộ tượng Thập Bát La Hán cưỡi trên mình các con thú là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ nhân Nam bộ đã tạc khá tỉ mỉ vào những năm 1909-1910.
Chùa Vĩnh Tràng còn là nơi viếng cảnh của du khách phương xa, nhất là những phái đoàn nước ngoài một khi đến Tiền Giang

 ** Tuyến Đường Sắt:
Năm 1881, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được khởi công. Vì điều kiện địa hình khó khăn phức tạp nên kinh phí lên đến 11,6 triệu Francs. Ngày 20/7/1885 tuyến đường sắt hoàn thành nhưng phải qua hai chặng vì cầu Bến Lức chưa xây dựng xong. Đến tháng 5/1886, tuyến đường sắt mới được thông suốt và có các ga : An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh (nay thuộc TP Sài Gòn ), Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An (nay thuộc tỉnh Long An), Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
       Ngay sau khi xâm chiếm xong Việt Nam, người Pháp đã nhanh chóng hoạch định xây dựng tuyến đường sắt đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác vùng đất giàu có này. Ý đồ ban đầu của họ là xây dựng tuyến đường sắt đến Vĩnh Long, sau đó nối tiếp tới Phnom Penh, Campuchia.
       Tuy nhiên sau những cuộc tranh luận kéo dài về hiệu quả kinh tế và sự cần thiết xây dựng tuyến đường sắt, người Pháp đã quyết định, trước mắt chỉ xây dựng đường sắt từ Sài Gòn tới Mỹ Tho, con đường sắt đầu tiên của Đông Dương.

Đầu máy xe lửa

      Nhà ga hoả xa Sài Gòn, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, hơn một thế kỷ sau. Đầu năm 1881, chuyến tàu thuỷ đầu tiên chở nguyên vật liệu từ Pháp sang xây dựng tuyến đường cập cảng Sài Gòn. Vào giữa năm, công trường hình thành với 11.000 lao động được huy động. So với công trường làm đường bộ cùng thời gian này, công trường đường sắt Sài Gòn -Mỹ Tho là công trường được tổ chức quy mô hơn, tiến hành rất khẩn trương, và có mặt nhiều sĩ quan công binh tại chỗ cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang.
      Để đưa tàu hoả vượt qua các con sông lớn vì lúc này chưa xây dựng được cầu, biện pháp kỹ thuật được kỹ sư Têvơnê, giám đốc Sở Giao thông công chánh Nam Kỳ lúc đó đề xuất là dùng phà. Chiếc phà khổng lồ máy hơi nước chở được 10 toa xe (tương tự như phà mà Pháp đã làm để đưa tàu vượt sông Gianh sau này), được lắp đặt đường ray và một thiết bị để nối đường ray trên mặt đất với ray phà.
     Chiều rộng đường sắt khổ 1 mét, là khổ đang được sử dụng rộng rãi thời bấy giờ trong ngành đường sắt Anh, Pháp. Người Pháp dự tính tuyến đường sắt này là một phần của tuyến Sài Gòn - Cần Thơ (để sau đó sẽ nối tuyến đi tiếp qua Phnom Penh , Campuchia).

Vật đổi sao vời! Sân Ga xưa chỉ còn trong hình ảnh!

     Như vậy ngay từ đầu người Pháp đã có ý niệm rõ ràng về xây dựng tuyến đường sắt nối đô thị trung tâm là Sài Gòn với các đô thị khác ở đồng bằng sông Cửu Long để hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và trên diện rộng là nối kết các vùng kinh tế của các nước thuộc địa với nhau. Những năm tiếp sau, các tuyến đường sắt được xây dựng là: Sài Gòn - Hà Nội, Sài Gòn - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Lộc Ninh và Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn.
     Rộng hơn, Sài Gòn- Mỹ Tho là tuyến đầu tiên của kế hoạch hình thành hệ thống đường sắt nối vào hệ đường sắt quốc tế, dự định như sau: Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau ; tuyến Cần Thơ - Châu Đốc - Phnom Penh - Bat Đom boong - Bangkok - Miến Điện - Ấn Độ và các nước Trung Đông (tuyến này đã có sẵn đường quốc tế) ; tuyến Bangkok - Mã Lai và tuyến Bangkok-Nakhon (Thái Lan) - Vientiane. Đặc biệt tuyến cuối cùng này sẽ qua Udon của Thái Lan là nơi rất nhiều người Việt sinh sống.
      Tuyến này có lợi cho phát triển kinh tế của Việt Nam , đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời giữ quan hệ thân hữu với Lào và Campuchia (họ sẽ có đường thoát ra biển ở Cần Thơ và Sài Gòn). Thế nhưng do chiến tranh nên các tuyến liên vận quốc tế này đã không được xây dựng.
      Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, công ty Eiffel trực tiếp thi công, sau bốn năm, tuyến đường sắt Sài Gò- Mỹ Tho dài 70 km đã hoàn thành sau khi tiêu tốn 11,6 triệu franc. Ông Đầu cho biết, khó khăn khi làm tuyến đường này không thuộc về đền bù đất đai như bây giờ, vì lúc đó nhà nước có chế độ đất công, đất tư rất rõ ràng. Theo ông Đầu, khó nhất là do những yếu tố thuộc tâm linh. Tuyến đường chạy qua gò bãi, bãi tha ma, dân sợ động long mạch, nhà cầm quyền mất nhiều thời gian để giải thích cho dân thông. Điểm khởi đầu xuất phát từ ga Sài Gòn (tại vị trí nay là công viên 23-9) tuyến đi theo các đường : Cống Quỳnh - Phạm Viết Chánh -Hùng Vương-Hồng Bàng-Kinh Dương Vương-Ngã ba An Lạc - Quốc lộ 1 (đi bên trái và sát QL1 theo hướng Sài Gòn-Cần Thơ).
       Đến khu vực Bình Điền (Bình Chánh) tuyến tách xa QL1 và vượt sông Chợ Đệm ở vị trí cách cầu Bình Điền đường bộ về phía hạ lưu khoảng 300 m, sau đó tuyến lại cặp sát bên trái QL1 cho đến khu vực Bến Lức thuộc tỉnh Long An. Ga Phú Lâm, nơi các nhà buôn đổ hàng và mang vào Chợ Lớn buôn bán mỗi ngày, nay là Thuận Kiều Plaza.
        Sau khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, tuyến cắt qua QL1, sang bên phải và tiếp tục đi cặp sát QL1 cho đến thị xã Tân An, vượt sông Vàm Cỏ Tây bằng cầu đường sắt Tân An, cắt qua QL1 về bên trái và tiếp tục đi cặp sát QL1, cắt qua ngã ba Trung Lương, chạy dọc theo tỉnh lộ 62 và kết thúc tại ga Mỹ Tho nằm sâu trong thành phố, nay là vườn hoa Lạc Hồng.
Tổng cộng có 15 ga đã được xây dựng trên tuyến gồm: Sài Gòn, An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương, Mỹ Tho. Như vậy bình quân 4,7 km có một ga, cự ly ngắn giữa các ga thể hiện tính chất vận tải khách ngoại ô của tuyến đường sắt này. Vị trí ga Mỹ Tho được người Pháp lựa chọn tạo nên đầu mối giao thông sắt - thuỷ - bộ.
Chuyến tàu đầu tiên
       Ngày 20-7-1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết, trong chuyến tàu khai trương, người Pháp dùng đầu máy mang tên Vaico, tức là Vàm Cỏ (nhưng khi phiên ra tiếng Pháp đã bị viết sai).
      Mỗi ngày có bốn cặp chạy trên tuyến đường này, chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1 giờ 30 sáng, đến Sài Gòn 5 giờ sáng. Ở Sài Gòn, chuyến Sài Gòn-Mỹ Tho cũng sẽ xuất phát trùng giờ. Chuyến thứ 2 lúc 9 giờ sáng, chuyến thứ ba lúc 1 giờ chiều và chuyến 6 giờ tối. Vì phải vượt phà, mỗi chuyến chạy mất ba tiếng rưỡi.
      Đến tháng 5-1886 cầu trên tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho đã hoàn thành cho phép tàu chạy một mạch tới Mỹ Tho, thời gian chạy rút xuống còn 2 tiếng rưỡi. Số lãi thu được từ tuyến đường sắt này tính đến năm 1896 là 3,22 triệu franc, đến năm 1912 là hơn 4 triệu franc.
     Lý do, theo ông Nguyễn Đình Đầu, là trước đây, tuyến này rất lãi, nhưng thập kỷ 50 của thế kỷ 20, xe hơi phát triển cùng với hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho được đầu tư gần như xa lộ nên người ta chuyển sang đi đường bộ. Có những ngày toàn đoàn tàu chỉ có vài chục người, lỗ quá nên nhà nước bỏ tuyến đường này đi. Sau 73 năm tồn tại, năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Sài Gòn cũ cho ngưng chạy tàu.
     Hiện nay toàn bộ tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho đã bị tháo dỡ, ngay cả ga Sài Gòn cũng bị dời ra Hoà Hưng. Trên đại lộ Hùng Vương thỉnh thoảng còn lộ ra vài đoạn đường ray cũ chưa bị tháo dỡ. Nền đường sắt dọc Quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh đến Mỹ Tho nhường chỗ cho việc mở rộng QL 1 hoặc đã bị những khu dân cư, khu công nghiệp dọc tuyến lấn chiếm.
      Cầu cống dọc tuyến bị tháo dỡ hoàn toàn, tại vị trí các cầu lớn như cầu Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Tân An chỉ còn các mố hai bên bờ sông, các trụ cầu đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho giao thông thuỷ. Sau 125 năm, chỉ còn một nhà ga duy nhất tên Gò Đen (xã Long Hiệp, Bến Lức, Long An) sát Quốc lộ 1A và đang nằm trong kế hoạch giải toả.
 
Ga xe lửa Mỹ Tho ngày xưa

       Tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho là huyết mạch cho sự vận chuyển hàng hóa đi về các tịnh Nam phần. Khoảng năm 1915 – 1916, Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân khách sạn ở sát nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Nhờ tuyến đường sắt này, thương mại Mỹ Tho phát triển mạnh mẽ. Chợ Mỹ Tho, chợ Hàng Bông buôn bán nhộn nhịp, gần như họat động cả ngày lẫn đêm với khối lượng hàng hóa dồi dào, phong phú. Cũng nhờ vậy mà đầu thế kỷ XX, tỉnh Mỹ Tho được xem là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực.

**Collège de MyTho:
        Ngày 17/3/1879, thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ký nghị định thành lập trường Collège de MyTho, trường trung học đầu tiên ở Việt Nam, trên một khu đất rộng 25000 mét vuông .Nhưng trường họat động được 10 năm thì ngày 11/12/1889 bị đóng cửa vì thiếu ngân sách. Mãi đến 8/3/1895 mới được cấp kinh phí trở lại và tiếp tục hoạt động đến hum nay. Ngày 2/12/1942, trường được đổi tên thành Collège Le Myre de Vilers. Đến năm 1953, trường được mang tên Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, tên của một nhà thơ yêu nước. Lúc mới ra đời trường có 1 dãy lầu trệt dùng làm văn phòng, song song đó là một dãy lầu một tầng (thường được gọi là lầu sắt hay lầu dơi). Giữa hai dãy đó có một căn nhà đơn độc được dùng làm phòng thí nghiệm. Đến năm 1918 trường được xây thêm hai dãy lầu nữa ở phía Bắc và Nam đề hợp với dãy lầu trứơc đó tạo thành một ngôi trường hình chữ U. 

Trừơng Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa

        Thời bấy giờ,  trường thu nhận học sinh phải qua một kỳ thi tuyển cực kỳ gắt gao, đậu rồi phải ở nội trú nữa, có điều được cấp học bổng. Đồng phục là bộ quần áo bà ba trắng và đôi guốc vông. Nhưng khi đi dự lễ thì mặc áo veston, thắt cà vạt, hai bên ngực áo là huy hiệu trường có nhành olive với 2 chữ CM là viết tắt tên trường.  Ngay năm học 1922 - 1923, toàn trường đã có cuộc làm reo lớn để hưởng ứng phong trào đấu tranh của các chí sĩ yêu nước. Cũng vì cuộc làm reo này mà trường sa vào cảnh sẩy đàn tan nghé: Nhiều người bị đuổi học, người phải bỏ về quê, thậm chí trốn sang Pháp để tránh bị đàn áp. Chính đây cũng là khởi điểm cho không ít những cựu học sinh Collège Mỹ Tho dấn thân vào hoạt động chính trị và sau này, trong số đó, có những người trở thành những nhà yêu nước nổi tiếng. Năm 1925 - 1926, ngôi trường từng là một trong những điểm nóng của phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Cũng vào những dịp này, học sinh của trường đã đến phá rạp hát bội của "Hội đồng Ninh" tại gần chợ Mỹ Tho chỉ vì rạp hát này đã biểu diễn những tuồng tích nịnh hót "ông Tây bà đầm" và xúc phạm đến các nhà ái quốc.
         Vị giáo sư người Việt Nam đầu tiên dạy tại trường collège Le Myre de Vilers là giáo sư Trần Văn Hương, một nhà ái quốc, một phó tổng thống thời Việt Nam Cộng Hòa . Nhiều trí thức nổi tiếng của hai chế độ VNCH và CSVN đều xuất thân từ ngôi trường này.

** Khu lăng mộ hoàng gia của vua Tự Dức:
         Thăm vùng đất nổi tiếng Gò Công, Tiền Giang, không chỉ được mãn nhãn trước vẻ thanh bình, nét yên ả của miệt sông nước với những con kênh nhỏ, bạt ngàn hàng dừa thẳng tắpmà chúng ta còn bị mê hoặc bởi quần thể kiến trúc độc đáo, nét cổ kính của Lăng Hoàng Gia.
         Lăng Hoàng Gia tọa lạc trên gò Sơn Quy (thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công), cạnh QL 50, cách TP. Mỹ Tho khoảng 30km. Đây là nơi sinh sống và yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng – nổi tiếng ở Nam Bộ vào thế kỷ 18, 19. Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó, lăng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức và là thân phụ của Từ Dũ Thái hậu - vợ vua Thiệu Trị) được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc lạ, độc đáo.

Một trong những lăng của hoàng gia vua Tự Đức 

       Hai hàng cây thông rợp bóng dọc đường vào lăng cùng làn nước mát lành từ hồ thủy tạ phả vào khiến bao mệt mỏi của lữ khách tan biến. Cây cối xanh um bao trọn nhà thờ họ Phạm Đăng như kiểu kiến trúc cổ ở Huế. Nét cổ xưa khu lăng mộ hiện rõ qua những họa tiết kiến trúc cổ của cổng tam quan đầy rêu phong được xây dựng năm 1826. Lăng được xây trên diện tích gần 3.000m2 bởi bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương kết hợp với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cung đình từ Huế vào. Vì thế, nhà thờ lăng mang những nét đặc trưng và phong cách của kiến trúc cung đình Huế.
        Những đường hoành, rui, mè được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ quý (không mối mọt) được vận chuyển từ cố đô Huế vào. Điểm đặc biệt nhất của lăng có lẽ là việc sử dụng toàn bộ gỗ để xây dựng, các vì kèo nối với nhau bằng mộc, không thể tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Các ba-lam gỗ quý trong nhà thờ với các điển tích rút ra từ "tứ linh, tứ quý" trong bát bửu cổ đồ của người Á Đông, cho đến các phù điêu trong và mặt ngoài của lăng đều được chạm khắc sắc sảo, gãy gọn, toát lên vẻ tôn nghiêm rất mực của một khu mộ, nơi yên nghỉ của một trong những văn thần nổi tiếng của triều Nguyễn. Màu sơn gỗ nâu bóng lộn nơi các trụ cột to như cánh tay khổng lồ nâng đỡ mái ngói âm dương càng khiến Hoàng Gia có nét quyến rũ đến lạ kỳ, kiêu sa mà mạnh mẽ, hùng dũng mà dịu dàng.
        Bên phải của lăng, trên con đường quanh co, uốn khúc, đi sâu theo hình vòng cung uốn lượn chính là lăng mộ của đức Quốc Công. Mộ dòng họ Phạm và Phạm Đăng Hưng chôn theo một trục dài đối xứng nhau, toàn bộ đều làm bằng hồ ô đước không chạm khắc, được bao bọc xung quanh lớp tường dày 80cm, cao 90cm. Trong khu mộ, mộ Phạm Đăng Hưng đứng đầu, trên một gò cao có dáng mu rùa, xây theo tam cấp, tứ trụ, gồm 2 vòng biểu hiện cho tam tài, diện tích hơn 800m2. Mộ không xây theo kiểu "Ngưu phanh, mã phục" (trâu nằm, ngựa quỳ) như mộ dành cho quan võ.
        Mộ có dáng "Đỉnh trụ" (chóp đỉnh) như chiếc nón lá buông lỏng nhờ tám cánh tượng trưng như búp sen. Tương truyền thi thể Phạm Đăng Hưng được chôn ngồi. Kiểu chôn là nội quan ngoại quách bao bọc.        

** Lăng Trương Công Định:
        Lăng Trương Công Định gồm lăng và đền Trương Định tọa lạc trong nội ô thị xã Gò Công. Lăng là phần mộ Trương Công Định, vị anh hùng của Việt Nam. Ông sinh năm 1820 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là Trương Tầm giữ chức Lãnh binh Gia Định. Từ nhỏ Trương Định đã thông hiểu binh thư, võ nghệ. Thời Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, ông lấy vợ người Tân An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) rồi ở luôn quê vợ. Ông là người đi đầu trong việc một dân nghèo khai hoang lập ấp ở huyện Tân Hòa (nay là thị xã Gò Công), được triều đình bổ chức Quản Cơ. Năm 1860 ông giữ đồn Kỳ Hòa (Gia Định), sau khi thất thủ, và chủ tướng là ông Nguyễn Tri Phương lui binh về Biên Hòa.

Lăng Trương Định

Ông đã anh dũng chống Pháp ở rừng chồi Hòa Hưng, được triều đình Huế thăng lên Lãnh binh, ông rút binh về Gò Công, tiếp tục kháng chiến, phục kích và thắng binh Pháp ở Rạch Lá, triều Huế, khắc ấn phong ông chức Bình Tây Đại nguyên soái, ông đánh úp quân Pháp chiếm lại được Gò Công (tháng 03.1862), nhưng Pháp làm áp lực với Huế, triều đình một mặt giả tước chức ông để lấy lòng Pháp và phái Phan Thanh Giản khuyên ông hạ khí giới, nhưng ông chỉ giữ một lòng trung, ngày 26.02.1863, Pháp rút lui từ Thượng Hải về bao vây Gò Công, ông cảm tử đánh xáp lá cà, mở huyệt lộ rút về chiến khu mới giáp ở Cái Bè, Tân An, Hóc Môn, Bà Điểm, cuối cùng ông kéo binh về Lý Nhơn (nay là một xã thuộc huyện Cần Giờ), trong "Đám Lá Tối Trời", thắng Pháp một trận vẻ vang, lập một chiến khu khác tại Gò Công chạy dài từ Bình Xuân đến Bình Thành và Kiểng Phước. Nhưng ngày 19.08.1864, ông định kéo quân từ Bình Xuân để về Gia Thuận, ông bị tên bộ hạ phản trắc Huỳnh Công Tấn bắn gãy xương sống tử trận. Nhân dân thương tiếc chôn ông tại thị xã Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2. Lăng Trương Định là di tích lịch sử là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Đền thờ: xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng.                            
Ngày 18.07 (Âl) năm 1973, chính quyền VNCH cử hành lễ khánh thành Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm. Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Trương Định, hàng năm vào ngày 19, 20 tháng 8 dương lịch, Thị xã Gò Công tổ chức trọng thể lễ hội tưởng niệm với các nghi lễ chính: Lễ rước linh (Thỉnh ông); Lễ Tiên thường và Chánh tế; Lễ Dâng hương của chính quyền địa phương cùng các hoạt động văn hóa với mục đích hướng về cội nguồn tưởng nhớ công đức tiền nhân

** Thủ Khoa Huân:
        Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 tại xã Mỹ Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thuở bé rất thông minh và học giỏi. Ông đậu thủ khoa trong cuộc thi Hương năm 1852 dưới triều Tự Đức.

Mộ Thủ Khoa Huân

        Khi thực dân Pháp lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta, ông từ quan, liên kết các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc. Trong 15 năm hoạt động, 3 lần bị giặc bắt, ông đã nêu tấm gương sáng về lòng yêu nước và khí phách anh hùng, chúng đày ông đến đảo Réunion - một hòn đảo Đông Nam châu Phi, nhưng ông vẫn không nhụt chí. Ra tù, ông cùng các sĩ phu yêu nước tổ chức lực lượng, đánh địch nhiều nơi. Khi bị bắt, giặc đem tước lộc ra mua chuộc, nhưng không lay chuyển được ông. Cuối cùng, chúng xử trảm ông tại quê nhà. Trước lúc chết, ông vẫn ung dung đọc thơ, tỏ khí phách của một bậc hiền tài yêu nước. Mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân đặt tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Tượng đài ông được dựng tại trung tâm Thành phố Mỹ Tho.

** Những vần thơ Truyền khẩu nói về Tiền Giang:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu (chữ nhu = chữ nho)
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ

Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường
Lòng anh sở mộ con gái vườn mà thôi
Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương!

Cách một khúc sông kêu rằng cách thủy
Sàigon xa, chợ Mỹ không xa
Gởi thơ thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em

Cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng

** Tiền Giang xưa kia có truông Giồng Dứa, nổi tiếng có nhiều cọp dữ xuất hiện, ăn thị người và gia súc. Tục truyền, có một vị chánh tổng đi xe ngựa qua truông Giồng Dứa vào một buổi chiều tối, cọp xất hiện tấn công ăn thịt cả người lẫn ngựa. Từ đó mới có câu hát ru con truyền tụng trong dân gian, như một nhắc nhở dân chúng khi qua truông Giồng Dứa:

Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió đưa bông sậy, dạ buồn nhớ ai

** Hình ảnh thiếu nữ Tiền Giang với tà áo trắng thư sinh đã làm cho muôn chàng trai phải thầm yêu trộm nhớ.Đặc biệt là hình ảnh đi học về, qua con sông quê bằng chiếc cầu khỉ, tà áo bay căng trong gió chiều...

Gió lao xao thổi vào mái lá
Như ru tình cô gái Tiền Giang

Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phượng
Giặc đến nhà chẳng vụng quơ đao

Gò Công đẹp lắm, ai chẳng si tình:
Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ
Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long
Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ
Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công

** Tiền Giang có sông Tiền đưa nước ngọt quanh năm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, đất Tiền Giang rất mầu mở, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.Những đặc sản trái cây của Tiền Giang được người dân biết đến như sau:

Khi nào anh thấy nhớ ai
Xin về chợ Mỹ, đường dài dễ đi
Vườn xoài vườn ổi xum xê
Mặc tình anh hái anh đòi... em cho

Vú sữa Sầm Giang căng dáng mộng
Nấm rơm Long Định ủ ngàn sương
Cam sành vú sửa Trung Lương,
Dừa xanh, dừa nước, quít đường Ba Tri

** Tiền Giang có nhiều sông ngòi và kinh xáng...nên rất thuận tiện cho giao thông đường thủy. Các tỉnh miền Tây muốn đi về Sài Gòn bằng ghe, tàu...phải đi ngang qua Mỹ Tho đến vàm Kỳ Hôn rồi xuôi theo kinh Nước Mặn về Sài Gòn.

Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng
Ai về Mỹ Thuận Tiền Giang
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa.

Thứ nhất Vàm Nao, thứ nhì Bao Ngược. (3)
Một là sang ngang Bao Ngược,
Hai là vượt sông Vàm Tuần(4)
Anh đi ghe lúa Gò Công,
Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm.

Rạch Gầm Xoài Mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ tho…


Sông lạch Gò Công

Gò Công rạch Lá nhớ nhung
Quê xưa Võ Tánh, Trương công oai hùng
Lạc loài cách bến xa sông
Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Sông nào nông bằng sông Châu Đốc

Gò Công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà
Saigon, chợ Mỹ ai mà không hay

Chợ nào vui bằng chợ Gò Công
Tôm khô, cá trung, thịt bò, thịt heo
Thật nhiều bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên lu.

Phượng hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi
Ngã tư Chợ Gạo nước hồi
Tui chồng mình vợ còn chờ đợi ai

V.T sưu khảo